Back

MekongAsean: Khi chủ trương làm ứng dụng “Giúp tôi!”, anh có chia sẻ, dự án đó bắt nguồn từ ý tưởng “dùng sức mạnh của công nghệ để kết nối tất cả những nguồn lực rải rác khắp nơi một cách linh hoạt” trong một cuộc chiến chung với dịch bệnh. Anh đã nhận được sự hưởng ứng như thế nào từ cộng đồng, từ các bác sĩ, những người làm công nghệ khi triển khai dự án phi lợi nhuận này?
[Hung Tran]: Chúng tôi rất may mắn khi ý tưởng này được ủng hộ ở mọi mặt. Thứ nhất là về công nghệ, ngay sau khi kêu gọi các tình nguyện viên tham gia để phát triển nền tảng, chúng tôi đã huy động được 150 người Việt làm việc trong lĩnh vực công nghệ ở khắp nơi trên thế giới như quản lý sản phẩm, kỹ sư phần mềm, kỹ sư kiểm thử, chuyên gia thiết kế, chuyên gia vận hành, chuyên gia tăng trưởng cùng chung tay xây dựng nền tảng công nghệ một cách thần tốc chỉ trong vòng hai tuần.
Điều đáng chú ý ở đây là các tình nguyện viên vẫn có trách nhiệm với công việc chính của họ trong giờ làm việc, thời gian dành cho Giúp tôi! thường là thời gian buổi tối và cuối tuần nên thực tế thì tốc độ làm việc nhanh hơn rất nhiều so với khoảng thời gian theo lịch là 2 tuần.
Ngoài ra chúng tôi cũng được ủng hộ rất lớn từ phía các cơ quan Chính phủ cụ thể là từ bộ Thông tin và Truyền thông và bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bảo trợ dự án từ những ngày đầu tiên và cung cấp các nguồn lực để chúng tôi có thể làm việc hiệu quả hơn và có tính chính thống của một nền tảng quốc gia. Có một chi tiết thú vị mà ít người biết đó là cuộc tư vấn đầu tiên diễn ra trên nền tảng Giúp tôi! chính là cuộc gọi giữa Thủ tướng chính phủ và một F0 đang cách ly ở nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thủ tướng đã trò chuyện và trấn an tâm lý để F0 yên tâm hơn khi ở nhà chống chọi với COVID-19.
Cuối cùng và đặc biệt nhất, chúng tôi cũng rất may mắn được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đội ngũ các y bác sỹ và nhân viên y tế. Ngay sau khi nền tảng công nghệ được đưa ra chạy thử chúng tôi đã được các chuyên gia y tế hàng đầu Việt nam tham gia đội ngũ cố vấn chuyên môn để giúp xây dựng và đào tạo mạng lưới tình nguyện viên tư vấn y tế. Các bệnh viện cũng rất tích cực tham gia mặc dù vô cùng bận rộn, ví dụ như bệnh viện 199 Bộ Công an đã huy động 100% các y bác sỹ và nhân viên y tế tham gia làm tình nguyện viên tư vấn trên nền tảng.
Nhìn chung là chúng tôi có một khởi đầu rất thuận lợi và hy vọng rằng trong thời gian tới, nền tảng sẽ tiếp tục được triển khai hiệu quả trên thực tế để hỗ trợ người dân.
MekongAsean: Đang có nhiều giải pháp công nghệ được sử dụng để kết nối con người trong một thế giới giãn cách, để hỗ trợ cộng đồng trong cuộc chiến chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp trong duy trì các hoạt động quản trị, kinh doanh, anh nhìn nhận thế nào về xu thế này?
[Hung Tran]: Đại dịch COVID-19 cho chúng ta thấy rằng với tất cả những gì mà con người tạo ra cho tới thời điểm này thì chúng ta vẫn chưa hề sẵn sàng, chúng ta chưa biết nhiều về thế giới như chúng ta từng nghĩ.
Đã gần 2 năm trôi qua từ khi dịch COVID-19 bùng phát, cả thế giới vẫn đang loay hoay chưa biết cách thoát ra như thế nào. Chưa bao giờ trong lịch sử mà cả thế giới gần như tạm ngừng hoạt động như thế này. Các giải pháp công nghệ đang được sử dụng là rất tích cực nhưng phần nào vẫn ở trong tình trạng giật gấu vá vai, dùng tạm để cố gắng giữ các hoạt động ở mức tốt nhất có thể chứ không phải là giải pháp gọi là “COVID-19 Proof – Miễn nhiễm với COVID-19”.
Tôi nghĩ rằng sau đại dịch này thì sẽ có rất nhiều thứ thay đổi, đặc biệt là các mô hình kinh doanh và quản trị cùng với các nền tảng công nghệ đi kèm để hỗ trợ. Ví dụ ngay bây giờ các công ty công nghệ đều không có vấn đề gì với một phần lớn nhân viên của mình làm việc từ xa mà chẳng phải tới văn phòng, điều mà trước đây khó được chấp nhận.
Chẳng ai biết chắc được là sau COVID-19 thì còn có một đại dịch nào tương tự trong tương lai và nếu nó xảy ra thì chỉ có các mô hình kinh doanh và quản trị mới cùng với các nền tảng công nghệ đi kèm để hỗ trợ thì mới có thể đảm bảo được thế giới vẫn hoạt động bình thường chứ không giống như những gì đã xảy ra với COVID-19.
MekongAsean: Nếu có điều gì cần được cải thiện để tăng cường hiệu quả của việc phát triển và ứng dụng công nghệ để chống dịch hiện nay, anh sẽ nói gì?
[Hung Tran]: Đối với đại dịch như thế này thì người cầm lái trong các hoạt động chống dịch vẫn là ngành y tế, công nghệ thì chủ yếu tham gia với vai trò hỗ trợ để giúp giảm tải hoặc làm cho các hoạt động chuyên môn của ngành y tế hiệu quả hơn.
Trong thời gian qua cũng có khá nhiều giải pháp công nghệ được đưa ra để chung tay với các hoạt động chống dịch và đã được triển khai trong diện rộng. Nếu có mong muốn về sự cải thiện của công nghệ thì tôi mong rằng có sự kết nối đồng bộ và chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng một cách tốt hơn để tạo ra sức mạnh tổng hợp từ những dữ liệu thu thập được thông qua mỗi nền tảng. Tuy nhiên, là một người làm sản phẩm, tôi cũng biết răng điều này cũng không dễ dàng mà làm được khi có nhiều đơn vị tham gia xây dựng các nền tảng trong một thời gian rất ngắn.
Thực ra điều này cũng rất dễ hiểu, để làm ra một sản phẩm công nghệ có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì cần phải có thời gian. Nếu chúng ta nhìn ra các công ty công nghệ lớn thì sẽ thấy rất rõ, họ phải thử và sai rất nhiều cho tới khi đạt được mức sản phẩm hoà hợp với thị trường, lúc đó sản phẩm mới có được những thứ gọi là chuẩn chỉnh và có những tác động lớn. Quay lại về các công nghệ chống dịch, các đơn vị phải làm trong một thời gian rất ngắn và tình hình dịch thì cũng thay đổi liên tục nên khó mà đạt được kỳ vọng như mọi người mong muốn, tất nhiên cũng phải khẳng định sự hỗ trợ tuyệt vời mà công nghệ đã mang lại. Ngoài ra theo quan điểm cá nhân của tôi thì công nghệ sẽ góp phần hỗ trợ cho các hoạt động chống dịch là chính chứ không phải là giải pháp trực tiếp.
[Hung Tran]: Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy tưởng tượng là với đại dịch COVID-19 diễn ra mà không có công nghệ thì sẽ dễ dàng thấy được vai trò của công nghệ quan trọng đến thế nào. Tôi cũng không thể tưởng tượng được là các nhân viên sẽ làm việc từ xa thế nào, các công ty sẽ làm ăn với nhau ra sao, các em học sinh sẽ học hành kiểu gì, các bộ phận chống dịch chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với nhau thế nào để thực hiện cho hiệu quả, hay đơn giản là đến bao giờ mới có được vắc xin chống dịch.
Chưa cần phải nói đến các công nghệ cao siêu, các nền tảng để mọi người có thể liên lạc và giao tiếp với nhau thực sự là không thể thiếu trong thời gian này, nếu không có chúng thì cứ tưởng tượng là cả thế giới tạm ngủ đông vậy.
Sự ra đời của công nghệ là để phục vụ cho các hoạt động thường ngày của cuộc sống. Để đơn giản chúng ta cứ coi công nghệ là các công cụ để cho cuộc sống dễ dàng hơn thôi. Đương nhiên là mỗi một công nghệ mới ra đời sẽ có một nhóm đối tượng người dùng rất cụ thể chứ không phải là dành cho tất cả mọi người, vì vậy có thể nó là một thứ gì đó đương nhiên với nhóm người dùng này nhưng lại rất xa lạ với nhóm người dùng khác.
Không phải công nghệ nào được sinh ra cùng dành cho tất cả mọi người thế nên mỗi cá nhân hay tổ chức chỉ cần quan tâm tới việc mình muốn làm gì và lựa chọn các công nghệ phù hợp để đạt được mục tiêu một cách hiệu quả nhất mà không phải quá quan tâm tới các công nghệ nghe thì có vẻ hay ho nhưng chả liên quan.
MekongAsean: Gần đây, chúng ta rất hay nghe về những khái niệm như công nghệ, chuyển đổi số… là cơ hội để bước vào kỷ nguyên số. Thực sự nhìn thẳng vào năng lực hiện tại của Việt Nam, anh nhìn nhận cơ hội đó như thế nào và cần làm gì cụ thể từ cả dưới góc độ đề xuất chính sách, sự vận động của công tác đào tạo, nghiên cứu, doanh nghiệp…để biến những chiến lược đó trở thành kế hoạch cụ thể và khả thi?
[Hung Tran]: Về quan sát cá nhân thì tôi thấy dường như mọi người đang rất mong muốn chuyển đổi số là viên đạn bạc có thể giải quyết mọi thách thức mà doanh nghiệp đang gặp phải. Tuy nhiên tôi nghĩ là mình cần thực tế một chút trong việc thực hiện chuyển đổi số như thế nào để tránh bị sa đà vào một cuộc chơi tốn kém mà chưa biết kết quả có được như kỳ vọng hay không.
Đơn giản mà nói thì hãy coi công nghệ như là các công cụ để giúp các hoạt động quản lý, sản xuất, vận hành, hay kinh doanh hiệu quả hơn. Chính vì vậy mà mình rà soát xem khâu nào trong các hoạt động đó có thể áp dụng công nghệ vào được thì áp dụng thử và so sánh kết quả, cứ như vậy mỗi chỗ một chút sẽ làm cho các hoạt động của doanh nghiệp trở lên hiệu quả hơn và tiết kiệm hơn.
MekongAsean: Nhìn sang các cường quốc công nghệ, đánh giá tiềm lực của chúng ta, anh thấy cần làm gì từ bây giờ để tiềm lực đó sẽ trở thành sức mạnh thật sự?
[Hung Tran]: Để làm ra các sản phẩm công nghệ tốt và tiến tới có các công ty công nghệ lớn của Việt Nam phục vụ được các thị trường lớn thì yếu tố quan trọng hàng đầu là nhân tài công nghệ.
Chúng ta cần có một số lượng lớn các nhà quản lý sản phẩm, các kỹ sư phần mềm, các nhà khoa học dữ liệu, và những người thực hiện việc tăng trưởng hay bán các sản phẩm công nghệ.
Cá nhân tôi có cơ hội tuyển dụng nhân tài công nghệ cho công ty ở cả Silicon Valley và Việt Nam thì tôi thấy còn có một khoảng cách vô cùng lớn về kiến thức nền, kỹ năng mềm, và tầm nhìn. Đương nhiên là đối với các bạn ở Việt Nam thì còn cần phải có ngoại ngữ tốt nữa. Chúng ta cũng có những người rất giỏi tuy nhiên số lượng không nhiều. Mỹ thì khỏi phải nói rồi nhưng các kỹ sư phần mềm Trung Quốc cũng vô cùng giỏi, một ví dụ điển hình là phần mềm Tiktok được làm hoàn toàn ở Trung Quốc nhưng khuynh đảo thị trường toàn cầu.
Tôi nghĩ là, để có thể làm được gì đó lớn thì chúng ta nên tập trung vào đào tạo nhân tài công nghệ với số lượng lớn ngay từ bây giờ. Mục tiêu là gì, đơn giản khi họ tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thì họ có đủ kiến thức nền, kỹ năng mềm và ngoại ngữ để có thể làm việc ở các tập đoàn công nghệ lớn để làm sản phẩm chứ không chỉ làm gia công phần mềm. Với chất lượng như vậy và số lượng lớn thì chúng ta mới nên hy vọng là có thể có các công ty cộng nghệ lớn tại Việt nam. Cách thứ hai tốn kém hơn là chuẩn bị thật nhiều tiền rồi thu hút nhân tài công nghệ ở khắp nơi trên thế giới đổ về Việt Nam cũng giống như một số quốc gia đang thực hiện.
MekongAsean: Về đào tạo nhân lực cho cuộc chơi lớn này, anh có những đánh giá gì về cách chúng ta đang làm?
[Hung Tran]: Để có một lực lượng làm công nghệ đông đảo thì tôi nghĩ rằng phải đào tạo từ rất sớm chứ không nên để tới khi vào tới đại học mới bắt đầu.
Ở nước ngoài mô hình các trường đại học kết hợp với các tập đoàn công nghệ lớn để giảng dạy các môn học thực tế là rất phổ biến để giúp các sinh viên rút ngắn được khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế và cũng có những định hình cho sự nghiệp tương lai của mình. Ngoài ra kỹ năng mềm là vấn đề vô cùng quan trọng.
Các công ty công nghệ lớn thì kiểu gì cũng sẽ là các công ty phục vụ không biên giới và đa văn hoá nên thiếu các kỹ năng mềm để có thể làm việc hiệu quả trong các môi trường như vậy thì sẽ rất khó phát triển. Cuối cùng là ngoại ngữ, không giỏi ngoại ngữ thì làm sao để có thể làm việc được với các đồng nghiệp ở khắp nơi trên thế giới cũng như học được các kiến thức mới từ một ngành phát triển và thay đổi rất nhanh như ngành công nghệ. Đấy là các hành trang cần thiết để sau khi tốt nghiệp các sinh viên có thể sẵn sàng tham gia vào việc làm các sản phẩm công nghệ còn về phía doanh nghiệp thì đương nhiên là phải luôn đầu tư để cho các nhân viên của mình có cơ hội học hỏi thêm để vừa tốt cho các cá nhân lại vừa tốt cho doanh nghiệp.
Các kỹ sư công nghệ tương lai cần phải có kiến thức nền sâu hơn, kỹ năng mềm tốt hơn, và phải thông thạo tiếng Anh. Không có 3 thứ này thì sẽ rất khó để cạnh tranh khi làm việc xuyên biên giới.
MekongAsean: Nói chuyện về đào tạo, gần đây, việc tổ chức học online đã trở thành bắt buộc trong những ngày chống dịch, anh nhìn nhận thế nào về xu thế này và anh nhìn thấy chúng ta đang thiếu những gì để đưa mô hình học này trở thành phổ biến hơn và hữu ích hơn, dễ áp dụng hơn nhất?
[Hung Tran]: Các hình thức học tập online trong thời gian dịch bệnh chủ yếu vẫn là các giải pháp tình thế. Chúng ta cố gắng tận dụng những gì sẵn có để duy trì các hoạt động dạy và học là chính chứ chưa phải là thay đổi mô hình một cách toàn diện. Điều này cũng dễ hiểu vì gần như là mọi người không có lựa chọn nào khác.
Tuy nhiên tín hiệu tốt là thị trường đã cởi mở hơn rất nhiều với giáo dục trực tuyến. Điều này vô cùng quan trọng để sau này các công ty về công nghệ giáo dục có độ tự tin nhất định trong việc sáng tạo ra và phát triển các mô hình giáo dục trực tuyến mới và các công nghệ đi kèm cho thị trường. Các mô hình mới này cũng sẽ phục vụ cho nhu cầu học tập suốt đời và theo yêu cầu của người học. Sớm hay muộn thì chúng ta cùng cần có một nền tảng dành cho giáo dục ở cấp quốc gia để có thể tận dụng công nghệ trong việc định hướng và cá nhân hoá việc đào tạo cả ở trong chương trình học chính thống cũng như các chương trình học sau khi mọi người đã tốt nghiệp đại học để sao cho tiềm năng của mỗi cá nhân trong xã hội được tối ưu.
MekongAsean: Một điểm khá thú vị là nhiều sản phẩm anh làm đều có xu hướng hướng tới thế hệ tương lai, như “Got It” hoặc “STEAM for Vietnam” tập trung đào tạo các kỹ sư phần mềm nhỏ tuổi, hoặc hướng tới cộng đồng như “Giúp tôi!” là dự án gần đây nhất. Vì sao và từ suy nghĩ gì khiến anh định hướng hướng đi của mình như vậy?
[Hung Tran]: Cá nhân tôi cũng như các thành viên của Got It và STEAM for Vietnam có những thành quả nhất định do may mắn được trải qua các môi trường giáo dục rất tốt. Đối với một số bạn đang học tập và làm việc ở nước ngoài thì giáo dục đã tạo ra các bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của mỗi người và nhiều khi biến các giấc mơ của họ thành hiện thực.
Chính vì vậy chúng tôi nghĩ rằng nếu làm gì đó để mang lại cơ hội giáo dục tốt cho người khác thì kết quả đạt được sẽ rất lớn và có tác động lâu dài chứ không đơn thuần là kiếm được bao nhiêu tiền.
Quan điểm cá nhân của tôi thì giáo dục là yếu tố quan trọng số một để tạo ra sự thành công của mỗi người. Đối với STEAM for Vietnam thì tôi cũng như các thành viên của đội ngũ đều có các ấp ủ từ trước là lúc nào đó sẽ làm gì để tạo cơ hội cho các học sinh ở Việt Nam tiếp xúc với những gì mà các học sinh ở các nước phát triển đang được học. Năm 2020 khi các thành viên cùng trao đổi với nhau và thấy rằng đây là thời điểm hợp lý để bắt đầu, rất đơn giản là làm một việc gì đó theo tinh thần đóng góp cho cộng đồng thôi.
Còn về dự án Giúp tôi! thì lại rất khác, nó được ra đời vào lúc mà cả nước đang oằn mình về làn sóng COVID-19 thứ tư, tất cả mọi thứ đều diễn ra khá bất thình lình. Là những người làm công nghệ, chúng tôi nghĩ rằng mình có thể làm gì giúp được quá trình dập dịch thì làm thôi.
Thế nên khi cơ hội đến để chúng tôi có thể dùng chuyên môn của mình để giúp những người dân đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và giảm tải cho lực lượng tuyến đầu thì chúng tôi tập hợp lực lượng và nhanh chóng triển khai. Mọi thứ nó rất đơn giản chứ cũng chả có gì là to tát đâu.
MekongAsean: Nhiều dự án của anh đều phi lợi nhuận, anh cân bằng bảng thu chi của mình thế nào?
[Hung Tran]: Ồ không phải tất cả các dự án mà tôi làm đều phi lợi nhuận. Got It là một công ty khởi nghiệp công nghệ được đầu tư bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm nên nó phải có mô hình kinh doanh, phải tăng trưởng, và phải sinh ra lợi nhuận. Các hoạt động của Got It đều cần phải được hội đồng quản trị là những nhà đầu tư tên tuổi ở Silicon Valley thông qua. Đây là công việc chính toàn thời gian của tôi, nếu không làm ra ngô ra khoai thì bị cho ra đường ngay lập tức, làm việc theo kiểu Mỹ là vậy, rất sòng phẳng.
Còn STEAM for Vietnam và Giúp tôi! là các dự án phi lợi nhuận độc lập không phải là của Got It mặc dù có rất nhiều thành viên của Got It tham gia cả hai dự án trên với tư cách là tình nguyện viên. Nhìn chung là tất cả các tình nguyện viên của STEAM for Vietnam hay Giúp tôi! đều đang có một công việc chính để kiếm cơm. Ngoài công việc chính mà mỗi người phải có trách nhiệm hoàn thành này ra thì thời gian rảnh và thời gian cuối tuần là lúc mà họ làm các công việc của STEAM for Vietnam hay Giúp tôi!.
Cả hai dự án này đều liên quan rất nhiều đến công nghệ mà trong lĩnh vực này con người là yếu tố quan trọng nhất để tạo ra các sản phẩm cụ thể chứ không cần phải đầu tư nhiều như những lĩnh vực khác.
Ở STEAM for Vietnam và Giúp tôi!, chúng tôi may mắn có được những cá nhân rất giỏi và rất có tâm tham gia nên cá nhân tôi luôn trân trọng và coi đó là các nhà đầu tư lớn nhất cho dự án vì họ đều là những con người rất bận rộn nhưng vẫn sẵn sàng hy sinh các khoảng thời gian rảnh của mình để đóng góp cho sự phát triển của dự án mà không đòi hỏi bất kỳ gì.
Đương nhiên để có những sản phẩm tốt thì cũng cần phải có những khoản chi phí nhất định dành cho điện toán đám mây hay các phần mềm khác. Phần này chúng tôi cũng may mắn được các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Amazon hay Microsoft hỗ trợ ít nhiều cũng như các khoản quyên góp từ chính các thành viên của dự án và công đồng. Ngoài ra chúng tôi cũng được sự ủng hộ rất nhiều từ truyền thông để góp phần lan toả dự án tới nhiều người. Riêng với dự án Giúp tôi! thì về tính thời sự cũng như cộng đồng của nó nên chúng tôi được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả phía các cơ quan Chính phủ như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như rất nhiều tổ chức và cá nhân cùng chung tay thực hiện, đó là một thuận lợi lớn để Giúp tôi! có thể đi nhanh như vậy.
MekongAsean: Kế hoạch tới đây của anh với Got It và những kế hoạch phát triển khác sẽ thế nào?
[Hung Tran]: Trong tương lai gần thì tôi vẫn tập trung vào phát triển Got It để xem công ty đi được tới đâu. Ngoài ra thì tôi cũng đang đầu tư vào một số công ty khởi nghiệp trong nước ở các mảng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, đào tạo nhân lực công nghệ, và vườn ươm khởi nghiệp công nghệ. Còn về phía các dự án cộng đồng thì tôi vẫn cùng với các bạn tiếp tục phát triển STEAM for Vietnam và các dự án khác trong khả năng của mình.
MekongAsean: Công chúng nhìn thấy rất nhiều diễn đàn và các chương trình đầy hứa hẹn về công nghệ, còn về sản phẩm, chúng ta đã có những sản phẩm nào “made in Vietnam” đáng để tự hào và hữu dụng cho cộng đồng và doanh nghiệp?
[Hung Tran]: Nói thì dễ nhưng làm ra được các sản phẩm công nghệ là khó mà, nếu đơn giản thì chắc bà con đi làm công nghệ hết rồi. Chính vì vậy mà ngay cả ở Mỹ thì 9/10 các công ty khởi nghiệp công nghệ sẽ thất bại. Thế nên mình quan tâm vào các sản phẩm hay dịch vụ thật và xem hiệu quả của chúng thế nào để mà đánh giá là chính. Hiện tại trong nước chúng ta cũng có một số sản phẩm cũng rất đáng nể ví dụ như Zalo, Tiki, Base, Kiot Viet…
MekongAsean: Giấc mơ về sản phẩm công nghệ Việt của anh là gì?
[Hung Tran]: Tôi mong rằng trong tương lai gần Việt nam sẽ có một lực lượng lớn những người làm công nghệ giỏi có thể làm được nhiều sản phẩm quy mô phục vụ thị trường bên ngoài biên giới Việt nam. Các kỹ sư phần mềm Việt nam hoàn toàn có thể tự tin gia nhập các công ty công nghệ lớn ở nước ngoài ngay sau khi tốt nghiệp.

Trần Việt Hùng là nhà sáng lập của công ty khởi nghiệp công nghệ Got It - startup đã huy động 25 triệu USD vốn đầu tư có trụ sở tại Silicon Valley, Mỹ.

Bên cạnh việc đầu tư vào một số công ty khởi nghiệp trong nước ở các mảng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, đào tạo nhân lực công nghệ, và vườn ươm khởi nghiệp công nghệ, Hùng Trần đồng thời là nhà tổ chức của một số dự án công nghệ phi lợi nhuận hướng về cộng đồng như “Giúp tôi!” và STEAM for Vietnam.

STEAM for Vietnam đặt cho mình một sứ mệnh đào tạo các kiến thức về Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật, Toán cho trẻ em Việt Nam, giúp lớp trẻ tiếp cận từ rất sớm các kiến thức khoa học về máy tính, kỳ vọng xây dựng những nền tảng ban đầu cho sự xuất hiện các nhân tài công nghệ trong tương lai gần. Dự án này được nhen nhóm ý tưởng từ cuối 2019 và chính thức hoạt động từ tháng 6/2020.

Mùa hè năm 2021, giữa làn sóng Covid lần thứ 4 nóng bỏng và khốc liệt tại Việt Nam, trong vỏn vẹn 2 tuần, Hùng Trần và các cộng sự đã cho ra đời ứng dụng "Giúp Tôi!", một nền tảng kết nối cộng đồng với mục đích chung tay hỗ trợ người dân Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cựu nghiên cứu sinh Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) ngành Khoa học Máy tính, Đại học Iowa (Mỹ) tâm sự về những dự án của mình: “Rất đơn giản là chúng tôi muốn làm một việc gì đó theo tinh thần đóng góp cho cộng đồng thôi…Mọi thứ cũng chả có gì là to tát đâu”.